Thấm đượm tình già

15/02/2018 | 06:05 GMT+7

Họ đến với nhau từ những năm “trăng treo đầu súng”, tình nghĩa đượm thấm trong mưa bom bão đạn, và giờ khi tuổi đã già, mái ấm vẫn đong đầy hạnh phúc, vẫn có những khoảnh khắc thật đẹp, thật đầm ấm yêu thương, khi bên mâm cơm chiều đôi vợ chồng già vừa ăn vừa trò chuyện, ông không quên khen bà những lời có cánh:

Dù đã bước qua cái tuổi xế chiều, nhưng vợ chồng ông Ba Ngay vẫn ngày ngày ôn lại kỷ niệm xưa và nhắc cho nhau nghe về những khó khăn gian khổ.

“Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”.

Tình yêu nảy nở từ khói lửa, đạn bom

Sinh ra và lớn lên trong thời chiến, nên tình yêu của vợ chồng thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ và vợ là bà Trương Thị Hoa, ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, không trọn vẹn, suôn sẻ như những cặp đôi khác. Ông Ba Ngay bồi hồi nhớ lại: “Ngày trước, vợ tôi công tác ở quân y, còn tôi làm bộ đội ở địa phương, may là chúng tôi làm cùng xã. Lúc đầu, tôi với bà xã gặp nhau cũng thấy mến nhau thôi, chứ chiến tranh ác liệt lắm đâu có dám nghĩ tới việc cùng nhau gắn bó trăm năm. Rồi nhờ mai mối, sau đó tôi cũng hay đến nhà chơi rồi hai bên mới hứa hôn. Do lúc đó, đơn vị đóng quân cũng gần đồn giặc, nên tôi với vợ dù đã hứa hôn, nhưng cũng ít gặp gỡ hay tiếp xúc lắm”.

Trong những ngày chiến tranh ác liệt, một lần đi làm nhiệm vụ, ông Ba Ngay bị thương ở đầu, rồi ông được đưa về quân y nơi vợ ông công tác để chữa trị. Cứ nghĩ mình là người thương tật, sau này sẽ là gánh nặng cho vợ con, sẽ không thể có tương lai, nên khi ấy ông Ba Ngay lặng lẽ từ giã bà Hoa tiếp tục lên đường chiến đấu. Biết ông Ba Ngay mặc cảm vì thương tật, muốn từ bỏ tình cảm của hai người, bà Hoa mới nói: “Tình cảm tôi dành cho mình trước sau vẫn như một, nếu chết thì thôi, chứ còn sống tình cảm vẫn trọn vẹn như ngày nào”. Nhờ câu nói ấy và sự khuyến khích của gia đình, đã giúp ông tự tin đón nhận tình cảm của hai người.

Đến năm 1966, ông Ba Ngay và bà Hoa chính thức cưới nhau. Ngày cưới, không hoa, không nhạc, đám cưới của ông bà chỉ có vài người chứng kiến bên ngọn đèn cầy không dám đốt sáng. “Vợ chồng tôi làm lễ thành hôn vào buổi tối, gọi là lễ cho sang vậy thôi, chứ như cái đám tuyên bố vậy. Giặc càn quét dữ lắm, cha mẹ hai bên cũng vào, người mua theo ít bánh kẹo, rồi bạn bè quen biết đứng ra chứng kiến cho hai đứa, đèn đuốc thì cũng chẳng dám đốt sợ giặc nó phát hiện”, ông Ba Ngay tâm sự. Những ngày sau đó, để chồng yên tâm công tác, bà Hoa trở thành hậu phương cho chồng, về chăm sóc cha mẹ già và nuôi dạy con cái.

Sau đó, đứa con đầu lòng được sinh ra trong những ngày chiến tranh ác liệt, chỉ có vòng tay ấm áp của bà Hoa chăm sóc. Giặc giã bom đạn khiến hai người bặt tin nhau đã biết bao lần. Rồi chiến tranh qua đi, những tưởng sẽ có thể về sum họp cùng vợ con, đến năm 1977 chiến tranh biên giới ở Campuchia nổ ra, ông Ba Ngay lại tiếp tục lên đường thực hiện nghĩa vụ. Ông Ba Ngay tâm sự: “Lúc bấy giờ, do không thể liên lạc được, ở nhà mẹ, bà ngoại và con trai tôi bệnh rồi mất, nhưng cũng chẳng về được thấy mặt họ lần cuối. Thay chồng gánh vác việc nhà, vợ tôi đã lo toan mọi thứ. Tính ra thì từ khi cưới vợ năm 1966 đến lúc hòa bình, tôi được ở nhà với vợ con chưa được một năm nữa”.

Một đời gồng gánh gia đình, thay chồng làm trụ cột chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy con cái… dù có vất vả, nhưng bà Hoa chưa hề than phiền với chồng một câu. “Tôi có được như ngày hôm nay, tất cả nhờ vào sự hy sinh thầm lặng của vợ tôi. Vì vậy, nguyện vọng của tôi ở cái tuổi này chỉ muốn dành hết thời gian cho vợ con, cùng nuôi dạy con cháu cho nên người và trở thành người có ích cho xã hội, vậy là mừng lắm rồi”, ông Ba Ngay nói. Ai ai cũng biết, ông Ba Ngay là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ, nhưng ít ai biết được rằng đằng sau sự thành công của ông là cả sự hy sinh thầm lặng của bà Hoa. Cũng chính nhờ sự tôn trọng, bao dung và thấu hiểu của ông bà, nên dù trải qua bao sóng gió tình cảm của vợ chồng ông Ba Ngay càng keo sơn, đậm đà hơn bao giờ hết.

Hòa bình đã mấy mươi năm, ông bà đều ở tuổi xưa nay hiếm, hạnh phúc với hai người là mỗi sáng thức dậy được nhìn thấy nhau đi tập thể dục, tưới mấy chậu cảnh trước nhà. Lâu lâu, hai vợ chồng ông bà ngồi cùng nhau nghe, rồi hát lại bài hát:

“Em vẫn đợi anh về

Như buồm căng đợi gió

Như trời xanh đợi chim,

Như lòng em khát anh,

Như đời khát hòa bình…”.

Bài hát mà một thời ông cùng đồng đội xem như niềm tin lớn để chờ ngày hòa bình, bây giờ nghe lại như nhớ kỷ niệm một thời trong gian khó, để thấy cuộc sống thêm dư vị…

Mấy mươi năm san sẻ ngọt bùi

Gặp gỡ, yêu nhau và nên nghĩa vợ chồng cũng trong những ngày chiến tranh ác liệt, hơn mấy mươi năm cùng nhau san sẻ ngọt bùi, vợ chồng đại tá Lê Trọng Nghĩa (Tám Nghĩa) và bà Huỳnh Thị Ánh, ở ấp Láng Hầm A, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, luôn giữ được tổ ấm hạnh phúc khiến nhiều người trẻ ngưỡng mộ. Năm 15 tuổi, ông Tám Nghĩa theo các anh chị trong gia đình đi làm cách mạng, sau đó ông được điều qua làm ở xưởng vũ khí, rồi làm hậu cần, cuối cùng ông được đưa về công tác ở Tiểu đoàn Tây Đô vào năm 1966.

Ông bà Tám Nghĩa luôn san sẻ, cùng nhau làm mọi việc trong gia đình.

Như một cái duyên định sẵn, ông Tám Nghĩa và bà Ánh trong một vài lần gặp gỡ đã nên nghĩa vợ chồng. Lúc bấy giờ, bà Ánh làm thông tin văn hóa, ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, còn ông Tám Nghĩa hoạt động ở địa bàn xã Phú Hữu, huyện Châu Thành. Ông Tám Nghĩa kể: “Tôi với bả quen nhau năm tôi 23 tuổi, qua thời gian tìm hiểu 1 năm thì quyết định đám cưới. Đám cưới được tổ chức sau một lần càn quét của địch, nên lúc đó chỉ là đám tuyên hôn đơn giản thôi. Đầu năm 1969, chúng tôi cưới nhau, nhưng đến cuối năm là tôi đã phải trở về huyện Châu Thành để công tác. Cũng từ khoảng thời gian đó vợ chồng chẳng thể liên lạc gì với nhau nữa”.

Rồi đứa con đầu lòng ra đời không có chồng bên cạnh, nhưng bà Ánh luôn vững niềm tin rằng chồng mình đang cố gắng hoàn thành nhiệm vụ ở phương xa và sẽ sớm trở về với mẹ con bà. “Đến khi con gái đầu lòng được gần 2 tuổi, vợ chồng mới có dịp gặp mặt. Lúc đó, vừa nuôi con, vừa phải chăm lo cho mẹ chồng, nên để có thu nhập tôi cũng đi tỉa cải, trồng rau, làm ruộng rồi mượn thêm đất người ta bỏ trống để làm. Mỗi chiều đứng ẵm con ra đầu lộ chơi, thấy ông bộ đội nào đi về hướng mình là tôi sợ lắm, sợ phải nhận tin buồn của chồng”, bà Ánh chia sẻ.

Hơn nửa cuộc đời mọi thăng trầm rồi cũng qua đi, giờ bên căn nhà nhỏ nằm nép mình trước mặt con kênh hiền hòa, ngày ngày vợ chồng ông Tám Nghĩa và bà Ánh vẫn chăm chỉ làm vườn, vun đắp cho vườn trái cây trĩu quả để tận hưởng cuộc sống an nhàn ở cái tuổi xế chiều…

Còn rất nhiều những câu chuyện giữ mái ấm, giữ gìn hạnh phúc của những người cao tuổi mà chúng tôi chưa kịp đến ghi, chưa được trò chuyện và dù mỗi người mỗi cảnh, nhưng ở họ đều có điểm chung là hạnh phúc được vun vén từ những ngày gian khó, vất vả, chắc chắn sẽ luôn ngọt ngào, thấm đượm:

“Tình sẽ đẹp sẽ vui vô tận

Nghĩa vợ chồng sâu đậm tháng ngày

Thương nhau muối mặn gừng cay

Tròn câu giai ngẫu đến ngày mai sau”.

(Đẹp chữ tình - Ngọc Chi)

AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>