“Thời kỳ vàng” đưa Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm

29/03/2024 | 08:54 GMT+7

Bước vào tuổi 20, tỉnh trẻ để lại dấu ấn đậm nét khi trở thành điểm sáng phát triển của khu vực và cả nước. Đặc biệt, Tỉnh ủy Hậu Giang và nhiều chuyên gia, nhà khoa học đánh giá Hậu Giang đang bước vào “thời kỳ vàng” hội tụ các điều kiện thế mạnh, tiềm năng. Đây sẽ là cơ hội rất lớn để tỉnh “cất cánh” hơn nữa trong tương lai không xa.

“Thời kỳ vàng” đang đến với Hậu Giang cũng chính là khát vọng bao đời của người dân nơi đây. Tỉnh đã sẵn sàng tâm thế đón thời cơ, vận hội mới với tư tưởng “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể”, với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm, người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Khu 406 đầy cỏ um tùm của Vị Thanh nay bừng sáng.

Bài 1: Hậu Giang biến “sắt” thành “vàng”

Để có được “thời kỳ vàng” như hiện nay, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang các nhiệm kỳ đã trải qua hành trình vượt khó đầy ngoạn mục. Biết mình nghèo (khi ấy là nghèo nhất vùng ĐBSCL) nên các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, dân và quân trong tỉnh rất nỗ lực, tranh thủ mọi nguồn lực, vượt qua khó khăn, đoàn kết phấn đấu vươn lên trên mọi lĩnh vực.

Vẽ lại bức tranh Hậu Giang 20 năm thật khó khăn, nhưng ta có thể mường tượng như sau: Đường về độc đạo; máy chèo và máy “cu le” nhiều hơn xe cộ; đi lại khó khăn, lụy lắm đò dọc; nông thôn thì đúng nghĩa đen lẫn bóng.

Trung tướng Nguyễn Xuân Xinh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục V Bộ Công an, người con của vùng đất Long Mỹ, bồi hồi xúc động mỗi khi về thăm quê, nhớ biết bao kỷ niệm xưa; vui sướng lắm khi tận mắt chứng kiến sự đổi thay rõ nét trên mảnh đất nghèo từng bị bom cày, đạn xới.

“Sau khi chia tách, thành lập tỉnh đến nay thì huyện Long Mỹ nói riêng, tỉnh Hậu Giang nói chung phát triển rất ấn tượng, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đạt cao, chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt”, trung tướng Nguyễn Xuân Xinh đánh giá.

Không riêng trung tướng Nguyễn Xuân Xinh, nhiều người ở xa khi có dịp về Hậu Giang đều tấm tắc khen tỉnh trẻ bây giờ phát triển quá.

Chuyển mình về mọi mặt

Trò chuyện cùng mấy người hàng xóm, bà Trần Thị Liễu, ở ấp Láng Hầm C, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, phấn khởi: “Hết nghèo, thấy thoải mái hơn”.

Gia đình bà Liễu từng trải qua những ngày “nghèo khổ lắm”. Xét hoàn cảnh gia đình, địa phương vận động hỗ trợ 20 triệu đồng, cùng với số tiền tích góp, gia đình xây được căn nhà kiên cố.

Ngoài nhà ở, chính quyền còn tạo điều kiện cho gia đình bà Liễu vay vốn để nuôi gia cầm, trồng cây ăn trái. Nhờ chí thú làm ăn nên cuộc sống gia đình này dễ thở hơn trước, chính thức thoát nghèo.

“Hết nghèo, mừng lắm chú ơi. Nhà nước giúp mình nhiều rồi, giờ chỉ mong sao cả nhà khỏe mạnh đi làm kiếm tiền để có cuộc sống tốt hơn”, bà Liễu chia sẻ.

Sự đổi đời của gia đình bà Liễu gắn chặt với sự chuyển mình của quê hương.

Ông Trần Văn Xương, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Láng Hầm C, khó quên cái cảnh người dân đi lại khó khăn trên những tuyến đường đất sình lầy vào mùa mưa, nay hình ảnh đó đâu còn bởi phần lớn đường giao thông của ấp đã được bê tông hóa rộng rãi, phẳng phiu, hai mùa mưa nắng đi lại dễ dàng.

Rồi những căn nhà lá lụp xụp được thay thế bằng nhà tường, nhà kiên cố vững chãi. Kinh tế phát triển, người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đời sống vật chất tinh thần đã được nâng lên.

Láng Hầm C còn được gọi là ấp “trắng hộ nghèo”, vì không còn hộ nghèo trong tổng số hơn 220 hộ. “Tôi sống tại địa phương từ nhỏ đến lớn và có nhiều năm công tác tại ấp nên hiểu rõ sự phát triển của quê hương. Lộ làng thông thoáng, đời sống khấm khá nên một số hộ dân đã mua ô tô phục vụ đi lại, 10 năm trước đâu có chuyện này”, ông Trần Văn Xương phấn khởi nói.

Có thể coi sự đổi thay của ấp Láng Hầm C là hình ảnh điển hình cho sự phát triển của xã Thạnh Xuân. Toàn xã có 9 ấp thì 3 trong số đó đã “trắng hộ nghèo”, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 0,43%.

Hiện toàn xã có hơn 10 mô hình kinh tế tiêu biểu cho nguồn thu nhập từ 100-800 triệu đồng/năm, cá biệt có mô hình đạt 1,2 tỉ đồng/năm. Tháng 8-2023, Thạnh Xuân trở thành đơn vị thứ hai của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.

Nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh từng một thời nghèo khó nay có sự phát triển vượt bậc, trở thành nơi đáng sống. Toàn tỉnh có 40/51 xã NTM, 9 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu. Nông thôn ở Hậu Giang thực sự bừng sáng.

Nếu vùng nông thôn phát triển nhờ xây dựng NTM thì ở các đô thị cũng được quan tâm đầu tư, chuyển mình thấy rõ.

Khi mới thành lập, Hậu Giang chỉ có 9 đô thị, đến nay đã có 19 đô thị (1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 16 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 29,75%.

Ngày trước, diện mạo phường IV, thành phố Vị Thanh khá ọp ẹp, bị phàn nàn nhiều vì một số tuyến đường xuống cấp, ngập nước vào mùa mưa. Giờ đây, đường sá được đầu tư xây dựng giúp diện mạo phố phường khởi sắc hơn hẳn.

Ông Lê Hồng Nghĩa, khu vực 5, phường IV, vui mừng chứng kiến mọi sự đổi thay, phát triển của phường. Ông tâm đắc nhất là đường phố khang trang hơn trước. Có đường mới, cao ráo nên người dân chủ động sửa sang nhà cửa cho theo kịp sự phát triển của phố phường.

Thay đổi đáng kể nữa theo ông Nghĩa là trình độ dân trí và nhận thức văn hóa của người dân được nâng lên. Sống ở phường văn minh đô thị nên cách cư xử, ứng xử của người dân cũng có sự tiến bộ phù hợp, ít nghe xóm giềng cự cãi inh ỏi khi có chuyện xích mích như trước…

Vui hơn cả có lẽ là chất lượng đời sống người dân được nâng lên tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Nếu năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh gần 24%, thì đến cuối năm 2023, hộ nghèo giảm xuống còn 3,29%; nếu như thu nhập bình quân đầu người năm 2005 là 6,6 triệu đồng thì cuối năm 2023 đã tăng lên hơn 80 triệu đồng…

Chợ 1 Tháng 5 thị xã Vị Thanh cách nay 20 năm.

Hậu Giang biến “sắt” thành “vàng”

Càng ấn tượng hơn khi một tỉnh thuần nông từng được xem là nghèo khó nhất vùng ĐBSCL đang trở thành điểm sáng phát triển của khu vực và cả nước những năm gần đây.

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đạt 13,94%, vươn lên đứng đầu khu vực ĐBSCL và đứng thứ tư cả nước; lần đầu tiên Chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) tăng 26 bậc, lên hạng thứ 12 trong bảng xếp hạng cả nước. Năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 12,27%, tiếp tục đứng đầu khu vực ĐBSCL và đứng thứ 2 cả nước - một kỳ tích của tỉnh trẻ.

Theo một số chuyên gia, nhà khoa học thì kết quả này là thành quả của quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài của tỉnh.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng đây là kết quả hết sức bất ngờ, bất ngờ ở đây là sự thay đổi ngoạn mục, chứ không phải sự may mắn, vì để một địa phương có kết quả như vậy thì cần một quá trình rất lâu dài.

Ông Nguyễn Phương Lam phân tích: “Những năm đầu Hậu Giang tăng trưởng chậm, nhưng năm vừa rồi thể hiện sự đột phá. So với các địa phương khác và so với quá trình cải cách thì chúng tôi nhận định rằng đây là sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng của tỉnh”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Nhơn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng Hậu Giang đã biết nỗ lực, quyết tâm để vượt qua khó khăn, thách thức của quá khứ và có được “thời kỳ vàng” như hiện nay. Trong thành quả này phải kể đến lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị toàn tỉnh qua các nhiệm kỳ đã đem hết tâm sức cống hiến vì một Hậu Giang phát triển, tiến bộ để cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Có người còn ví von Hậu Giang đã trải qua quá trình biến “sắt” thành “đồng”, biến “đồng” thành “bạc” và biến “bạc” thành “vàng”, với các cột mốc, dấu ấn đáng nhớ trong mỗi giai đoạn.

Giai đoạn 10 năm đầu thành lập tỉnh đã biến “sắt” thành “đồng”. Thời gian này, tỉnh bắt tay ngay vào sắp xếp, từng bước ổn định tổ chức bộ máy, cán bộ, xây dựng tổ chức đảng, đảng viên. Đồng thời, tập trung cho nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách, người có công và các hộ gia đình nghèo khó. Quan tâm đầu tư cho công tác giáo dục, y tế nhằm nâng cao trình độ dân trí và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Thành quả trong 10 năm đầu rất đỗi tự hào: Tổ chức bộ máy nhanh chóng được kiện toàn, chất lượng cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên; xây dựng hàng chục ngàn căn nhà tình nghĩa, tình thương; tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm sâu; mạng lưới trường lớp, tuyến y tế từ tỉnh đến cơ sở từng bước hoàn thiện. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với những dự án ghi dấu ấn như: nâng cấp Quốc lộ 61; xây dựng mới các tuyến đường Nam Sông Hậu, Quốc lộ Quản lộ - Phụng Hiệp nối Hậu Giang với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; dự án kè 2 bờ kênh xáng Xà No…

Giai đoạn 5 năm tiếp theo biến “đồng” thành “bạc”. Nhiều chủ trương, giải pháp về tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã được tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả kinh tế cao. Chương trình xây dựng NTM được chú trọng đầu tư. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,87%/năm.

Đến nhiệm kỳ 2020-2025 đã biến “bạc” thành “vàng”. Nhờ quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, bám sát kịp thời diễn biến kinh tế vĩ mô, với tinh thần nghiêm túc, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nghị quyết của Đảng, giúp Hậu Giang tạo được bước phát triển mới, đột phá và rất ấn tượng, tăng trưởng kinh tế năm 2022, năm 2023 nằm trong tốp đầu của cả nước.

Ở tuổi 20, Hậu Giang đang thể hiện hình ảnh tỉnh nhỏ nhưng khát vọng lớn, năng động, trẻ trung, tự tin, từng bước khẳng định vị thế trong vùng và cả nước. Đang trong “thời kỳ vàng” sẽ là cơ hội lớn để tỉnh phát triển vượt bậc hơn nữa trong tương lai.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Bài 2: Khi “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” hội tụ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>