Hút thuốc lá và nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch

31/05/2018 | 08:19 GMT+7

Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5) năm 2018 có chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch”. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) muốn thông tin về tác hại của việc sử dụng thuốc lá về tim mạch.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Nhiều trường hợp bệnh tim mạch đều có tiền sử hút thuốc lá

Tại Khoa Nội tim mạch - nội tiết - nội thận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, chúng tôi có dịp gặp gỡ được các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, hầu hết đều có tiền sử hút thuốc lá. Ông Huỳnh Văn S., ở ấp 4, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, đang nằm viện điều trị bệnh ở khoa, nói: “Tôi bị co giật, mệt, choáng váng… nên gia đình đưa vào đây chữa bệnh. Tình trạng co giật đã xuất hiện khoảng thời gian trước nhưng thoáng qua rồi hết. Lần này phải nằm viện điều trị bệnh”. Theo chẩn đoán của các bác sĩ, ông S. mắc bệnh cơn đau thắt ngực, viêm thần kinh liên sườn.

Ông S. cho biết thêm về quá trình hút thuốc lá của mình: “Từ thời trai trẻ tôi đã hút thuốc lá đến nay. Có thời điểm hút cả gói thuốc lá mỗi ngày. Thời gian gần đây do lớn tuổi nên đã giảm dần, hút ít hơn trước rất nhiều. Lần này bị bệnh chắc là bỏ hút thuốc luôn. Gia đình cũng hết lòng khuyên bảo tôi bỏ thuốc lá”. Năm nay, ông S. đã 68 tuổi, như vậy có đến gần 50 năm ông hút thuốc lá.

Còn ông Phạm Văn Th., ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, cũng đang nằm viện điều trị bệnh cơn đau thắt ngực ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Tác hại của thuốc lá mình nghe hoài. Tôi đã từng hút thuốc lá mấy chục năm và đã bỏ được gần 10 năm qua. Bản thân mình bỏ thuốc lá nhưng việc hút thuốc lá thụ động khó tránh khỏi khi đi ra ngoài cộng đồng”. Đây là vấn đề đặt ra, không chỉ những người hút thuốc lá chủ động mà người hút thuốc lá thụ động cũng sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao.

Thực tế, trong cộng đồng ngày nay, tình trạng hút thuốc lá còn rất phổ biến, mọi người hút thuốc lá và phì phà khói thuốc thản nhiên nơi công cộng, trong gia đình,… đang từng ngày, từng giờ gây ảnh hưởng đến sự gia tăng các bệnh liên quan do tác hại của thuốc lá, trong đó có bệnh tim mạch.

Những con số “biết nói”

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 7 triệu ca tử vong trên thế giới do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó có khoảng 900.000 ca tử vong do hút thuốc lá thụ động. Khói thuốc lá chứa 7.000 loại hóa chất gây hại cho sức khỏe. Ông Lê Văn Chúc, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh, cho biết: “Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam vào năm 2015, tỷ lệ nam giới là 45,3%, nữ giới là 1,1% và tính chung là 22,5% (tương đương 15,6 triệu người) hiện đang hút thuốc lá, thuốc lào. Trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, khoảng 10% dân số Việt Nam sẽ chết sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó có các bệnh tim mạch. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên gấp 2-3 lần”. Bên cạnh đó, hút thuốc lá còn gây ra nhiều tổn thất về kinh tế cho gia đình cũng như toàn xã hội vì phải tốn chi phí cho việc mua thuốc lá và chi phí về y tế cho những bệnh do thuốc lá gây ra.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Hồng Minh Triết, Phó khoa Nội tim mạch - nội tiết - nội thận, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang: “Trong 7.000 chất độc hại đó có nhiều chất là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây các bệnh mãn tính về tim mạch. Người hút thuốc lá chỉ hút một điếu trong mỗi ngày cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống mạch máu, tim của mình theo thời gian mà không hề hay biết. Ảnh hưởng nhịp tim và huyết áp vì khi hít khói thuốc vào sẽ gây ra một số tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu do tăng nồng độ Cathecholamine trong máu (đây là chất nội tiết có vai trò kích thích hệ thống thần kinh giao cảm của cơ thể) và tăng chất carbon monoxid (một chất có nhiều trong thuốc lá). Mặt khác, nồng độ Nicotine tăng trong máu cũng gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim. Việc hút thuốc lá còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạch vành, bệnh lý mạch máu ngoại biên, phình động mạch chủ, rối loạn nhịp tim và đột tử, bệnh cơ tim, đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim…”.

Ông Chúc cho biết thêm, hiện nay luật về phòng chống tác hại của thuốc lá cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, nơi đông người, nhưng việc thực hiện và các chế tài xử lý không đủ mạnh nên hầu như không có kết quả nhiều trên thực tế. Chính vì vậy, cần đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức và quần chúng đối với công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, đồng thời phát động xây dựng “Môi trường không khói thuốc lá” đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, trường học, bệnh viện,... trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá một cách có hiệu quả nhất, thực sự đi vào đời sống của người dân trong thời gian tới”.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>