Phòng, chống bạo lực gia đình

19/10/2018 | 08:06 GMT+7

Nhằm tuyên truyền, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực, tỉnh đã thành lập mô hình địa chỉ tin cậy nhà tạm lánh tại cộng đồng ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy.

Mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng xã Vị Đông được trang bị đầy đủ tủ thuốc y tế, dụng cụ đo huyết áp, giường ngủ, tủ…

Theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy được thành lập từ tháng 5-2018. Mô hình không chỉ là nơi tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh khẩn nhằm cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người có nguy cơ bị bạo lực khỏi đối tượng gây bạo lực. Ngoài ra, thực hiện chăm sóc y tế ban đầu, sơ cứu trong trường hợp nạn nhân bị thương tích nhẹ, trong trường hợp nặng hỗ trợ nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất…

Song song đó, mô hình còn thực hiện công tác tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho người dân trên địa bàn với các hình thức phù hợp. Trong đó, chú trọng nhóm gây bạo lực hoặc có nguy cơ cao gây bạo lực thông qua hoạt động lồng ghép trong các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, hoạt động liên quan. Khuyến khích sự lên án của cộng đồng đối với các hành vi bạo lực trên cơ sở giới. “Việc đưa mô hình này vào hoạt động nhằm giúp người dân nâng cao hơn nữa nhận thức về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Từ đó, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”, ông Cường cho biết.

Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh có 269 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 4 vụ người bị bạo lực là nạn nhân dưới 16 tuổi, trên 90% người bị bạo lực là nữ giới. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, một trong số đó là bất bình đẳng giới, khó khăn về kinh tế, chênh nhau về trình độ nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, nghiện rượu, cờ bạc, ghen tuông… Tình trạng này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi đa số nạn nhân bị bạo hành thường cam chịu, không dám mạnh dạn tố cáo hành vi bạo lực, sợ hàng xóm dị nghị, sợ mang tiếng “vạch áo cho người xem lưng”…

Là Trưởng ban Ban Quản lý mô hình, theo ông Trần Văn Đà, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Đông, ngoài được tham gia các cuộc hội nghị, tập huấn và các hoạt động của mô hình, bản thân ông còn tích cực tuyên truyền đến người dân về nguyên nhân và hậu quả của bạo lực gia đình, để từ đó, mọi người có suy nghĩ và hành động đúng đắn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. 

Từ khi mô hình được thành lập đến nay, người dân đã được ngành lao động - thương binh và xã hội cùng với chính quyền địa phương phổ biến các kiến thức về giới, bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình… Từ đó, nâng cao kiến thức cho bản thân. Chị Lý Thị Cẩm Giang, ở ấp 3A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Trước đây, tôi không hiểu bình đẳng giới là như thế nào. Nay được mọi người tuyên truyền, giải thích tôi đã hiểu bình đẳng giới là vợ chồng phải bình đẳng, tôn trọng, chia sẻ công việc với nhau. Với lại, vợ chồng phải cùng nhau chia sẻ mọi việc trong gia đình, kể cả nuôi dạy con cái”.

Có thể nói, mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh không chỉ là nơi tiếp nhận nạn nhân khi bị bạo lực, mà quan trọng là góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng và bảo vệ nạn nhân khi bị bạo lực gia đình. Với những hoạt động thiết thực, mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh trở thành địa chỉ tin cậy đối với các nạn nhân bị bạo lực, đồng thời là cầu nối giúp mọi người hiểu được những kiến thức cần thiết để bảo vệ sự an toàn của bản thân khi bị đe dọa. Qua đó, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng xã Vị Đông, huyện Vị Thủy được thành lập nhằm từng bước nâng cao chất lượng phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn xã Vị Đông và các địa phương lân cận. Phấn đấu 100% các vụ bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình được Ban quản lý phát hiện, kịp thời tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân và góp ý, phê bình người gây bạo lực; tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh khẩn nhằm cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người có nguy cơ bị bạo lực và con của họ (nếu có) khỏi đối tượng gây bạo lực, người có nguy cơ gây bạo lực; chăm sóc y tế ban đầu nếu nạn nhân bị thương tích nhẹ, hỗ trợ nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất trong trường hợp nặng; tư vấn ổn định tâm lý cho nạn nhân và con của họ (nếu có) khi cần thiết; hỗ trợ nạn nhân về gia đình sau thời gian tạm lánh khi đảm bảo đủ an toàn…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>